Các bạn Nguyễn Thủy Tiên, Trần Phương Linh (sinh viên K61 Khoa Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội) có viết thư tới Tòa soạn, hỏi “Vừa qua, chúng em thấy mọi người trao đổi, bàn tán nhiều về từ “lon”. Nhưng quả thật, chúng em rất ít nghe nói tới từ này. Đôi lần, vào quán, em có nghe người ta gọi “mấy lon nước ngọt” hay “mấy lon bia”… Có vẻ từ “lon” này là từ nước ngoài chứ không phải từ thuần Việt. Chúng em rất muốn biết xuất xứ và ngữ nghĩa của “lon””.
Bạn đang xem: Từ “lon” trong tiếng Việt
*
Vấn đề hai bạn Thủy Tiên và Phương Linh thắc mắc cũng chính vấn đề giới Từ điển học quan tâm trong những ngày qua. Thực tình, từ này xuất hiện khá ít và không đồng đều trong giao tiếp tiếng Việt. Cũng chính vì thế mà ta cảm thấy xa lạ. Nhưng nếu bình tĩnh suy xét, ta thấy từ “lon” có những nét riêng, nét đặc biệt về xuất xứ và ngữ nghĩa. Chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng trường hợp liên quan tới dạng biểu hiện và ngữ nghĩa của “lon” nhé. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học – NXB Đà Nẵng, 2017) phân xuất “lon” (đồng âm) có 6 biến thể nghĩa cụ thể. Tuy nhiên, vì là từ điển giải thích cỡ trung bình, nên dung lượng thông tin đưa vào giải nghĩa từ này cũng chỉ ở mức độ vừa phải. Bài viết của tôi sẽ giúp bạn đọc hiểu kĩ hơn bằng các dẫn liệu bổ sung. Có 3 nghĩa thuần Việt của từ này. 1. LON (danh từ) chỉ con lon, một loại thú rừng cùng họ với cầy móc cua. Chúng ta từng đã biết “con cầy”. Đây là loài thú ăn thịt, sống ở hang hốc (trên rừng núi), có mõm nhọn, tai nhỏ, mình dài, chân thấp. Lon chỉ là một loại cầy, giống cầy móc cua. Cầy móc cua (Herpestes urva) có khá nhiều ở một số vùng của châu Á, trong đó có Việt Nam. Điểm nổi bật ở cầy móc cua là một vệt trắng kéo dài từ góc mép qua cổ đến bả vai. Đuôi của chúng xù lông và dài gần bằng nửa thân. Chiều dài đầu – thân của cầy móc cua là từ 440 – 480 mm và chiều dài đuôi là từ 265 đến 310 mm. Cầy móc cua có bộ lông màu nâu xám. Phần cổ có màu đen kết hợp với phần ngực màu nâu đỏ, bụng màu nâu nhạt. Chân của chúng có màu nâu sẫm hoặc đen. Cầy móc cua có một đời sống và lối kiếm ăn đơn độc, chỉ khi vào mùa động dục và giai đoạn nuôi con thì chúng mới sống thành đàn. Môi trường sinh sống của chúng là dọc theo các con suối, rừng khộp và rừng gỗ tạp. Cầy móc cua không chỉ ăn cua mà là loài ăn tạp: cá, ốc, ếch nhái, các loài gặm nhấm, chim, bò sát, và sâu bọ. Chúng hoạt động về đêm, bơi và lặn giỏi.
Giống như cầy móc cua nhưng con lon nhỏ hơn. Ở một vùng núi phía Bắc và miền Trung Việt Nam, người ta vẫn còn thấy dấu vết của con lon. 2. LON (danh từ) là một dụng cụ gia đình. Đó là một loại cối nhỏ, vật liệu bằng sành (gốm rất rắn, chế bằng đất sét thô, nung ở nhiệt độ cao). Nhiều gia đình Việt Nam (ở nông thôn) hiện nay vẫn dùng dụng cụ này để giã (nghiền nhỏ thức ăn), như giã cua, giã tôm, giã riềng, giã các loại lá để lấy nước. Do có kích thước vừa phải, không quá to và không quá nặng (như các loại cối đá – thường dùng để giã bột, giã giò, giã bèo, giã gạo…) mà lon rất thông dụng trong việc chế biến thực phẩm, vì sự tiện lợi của nó (nhẹ, không cồng kềnh, rửa sạch nhanh). 3. LON (danh từ) là một loại vại nhỏ, chậu nhỏ, bằng sành. Một số địa phương ở ta thường dùng lon này để đựng nước (như đựng nước gạo, nước dưa…) hoặc đựng tôm, cá, cua (với số lượng ít, nếu nhiều hơn thì người ta dùng chum, cong, vại). Ngoài ra, “lon” còn 3 nghĩa “nhập ngoại” nữa. 4. LON (danh từ) được dùng để chỉ một loại hộp nhỏ, hình trụ, bằng kim loại (hợp kim nhôm) dùng để đựng sữa, thực phẩm hay nước uống sản xuất theo dây chuyền công nghiệp. Xuất xứ là từ tiếng Anh: gallon (nói tắt thành “lon”), có dung tích tương đương 4,546 lít (ở Anh) và 3,785 lít (ở Mỹ). Ta thường nghe nói “lon bia”, “lon nước ngọt”, “lon lữa bò”, “lon thịt”, v.v. Lãng Tử trong tác phẩm “Nợ văn” đã viết: “Cả giang sơn chỉ có một manh chiếu rách với một cái lon sữa bò để uống nước” (hàm ý “nghèo khổ”).
Lon là một loại vật dụng rất phổ biến hiện nay. Khi vào các quán ăn bây giờ, ta vẫn thấy người ta gọi “Cho ba lon nước ngọt”, “Thêm vài lon bia Heineken nữa nhé!”, “Bốn lon nước chanh có đá”,… Các sản phẩm quảng cáo trên truyền thông hay ngoài phố bây giờ tràn ngập các biển hiệu có từ “lon” đi kèm: Mở lon trúng vàng, Khui lon trúng thưởng, Bật nắp lon rinh quà về nhà, v.v. Cùng một động tác, người ta có thể dùng “mở lon”, “khui lon”, “bật lon”… với những ngữ cảnh khác nhau, chủ yếu tạo ra sự đa dạng và sinh động cho lối nói của mình. 5. Chính vì sự thông dụng của lon, với chức năng bao bì cho đồ uống, mà còn có một từ LON (danh từ) chỉ đơn vị đo lường khá phổ biến trong dân gian, như “Nấu 3 lon gạo là đủ”, “Có dăm lon gạo nếp để dành đến Tết Đoan Ngọ”. Nhiều nhà bây giờ vẫn lấy “lon” làm đơn vị định lượng khi để đong các loại ngũ cốc, đậu đỗ, lạc vừng… khi nấu cơm, thổi xôi, nấu chè, rang lạc. Nó còn được gọi bằng một cái tên khác là “bơ”: bơ gạo, bơ lạc, bơ vừng… (xuất xứ từ “lon đựng bơ”). 6. LON (danh từ) dùng để chỉ “phù hiệu quân hàm” của ai đó trong lực lượng vũ trang của một số nước. Đây cũng là cách nói tắt của từ “galon” (tiếng Pháp). Ta thường nghe người ta nói: “Nó vừa được lên lon thiếu tá”, “Đeo lon trung tướng, ông ta trở thành sĩ quan cao cấp nhất của Mỹ tham gia chiến trường”, “Vừa được gắn lon, hắn liền tổ chức liên hoan linh đình”,… Tất nhiên, cách nói này mang tính khẩu ngữ chứ không dùng trong văn viết hay trong các tình huống đòi hỏi sắc thái trang trọng.
*
Như vậy, qua cách phân tích vừa rồi, ta thấy từ “lon” không hề xa lạ trong giao tiếp tiếng Việt. “Lon” có lịch sử hình thành và phát triển nghĩa riêng. Âu cũng là một phần biểu hiện của cuộc sống ngôn từ.
Lon ta cùng với Lon Tây Cùng nhau chung sống hàng ngày bên nhau…/.
PGS. TS. Phạm Văn Tình
Nguồn: https://bida.edu.vn
Danh mục: Ẩm thực