Những cách điều trị chướng bụng đầy hơi tại nhà được nhiều người quan tâm nhằm giảm bớt mức độ khó chịu. Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng khi biểu hiện không tiến triển về tần suất và mức độ. Trường hợp khó chịu tăng lên, đi kèm các biểu hiện khác, người bệnh cần đi khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và xác định chính xác nguyên nhân gây đầy hơi chướng bụng.
Đầy hơi chướng bụng là gì?
Chướng bụng đầy hơi là cảm giác căng tức, khó chịu do tăng áp lực vùng bụng. Cảm giác này có thể tiến triển từ nhẹ, trung bình đến đau dữ dội, thường biến mất sau một thời gian. Chướng bụng đầy hơi có thể do rối loạn tiêu hóa hoặc sinh lý (thay đổi hormon theo chu kỳ ở phụ nữ). Các triệu chứng đi kèm có thể là buồn nôn, nôn, ợ chua, đau bụng, táo bón. Tình trạng này có thể là cấp tính khi xuất hiện đột ngột, bất thường hoặc mạn tính kéo dài trở thành mối lo ngại cho sức khỏe.
Chướng bụng đầy hơi đến từ nhiều nguyên nhân như táo bón gây tích tụ phân và ứ đọng các chất trong đường tiêu hóa; không dung nạp thức ăn hoặc hội chứng ruột kích thích (IBS); nhiễm trùng đường ruột; liệt dạ dày ảnh hưởng đến việc chậm làm rỗng dạ dày sau ăn, gây đầy hơi chướng bụng, trào ngược, buồn nôn và nôn… Ngoài ra, việc dùng một số loại thuốc lâu ngày như thuốc kháng sinh, giảm đau sẽ khiến các lợi khuẩn giảm mạnh, tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại phát triển gây ra chứng đầy hơi.
Cách chữa đầy hơi chướng bụng
Đầy hơi chướng bụng do sinh lý thường tự khỏi sau vài ngày mà không cần điều trị. Người bệnh cần thay đổi chế độ dinh dưỡng để thúc đẩy quá trình hồi phục và ổn định hệ tiêu hóa. Nếu là do bệnh lý thì cần xác định nguyên nhân và điều trị theo loại bệnh gây ra triệu chứng đầy hơi chướng bụng.
Thông thường, trường hợp cấp tính, đầy hơi chướng bụng sẽ khỏi khi nguyên nhân cơ bản đã được điều trị. Một số phương pháp điều trị đầy bụng chướng hơi như:
1. Dùng thuốc điều trị
Tùy vào nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị đầy hơi chướng bụng phù hợp như:
- Thuốc men vi sinh đường ruột (probiotic): giúp hỗ trợ chứng rối loạn tiêu hóa, giảm tình trạng đầy bụng, chướng hơi hiệu quả. Tuy nhiên, cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và đúng cách, tránh lạm dụng thuốc.
- Thuốc kháng acid và làm giảm tiết acid dạ dày: thuốc ức chế bơm proton (PPI), kháng histamin H2, phosphalugel… thường dùng cho người bị chứng khó tiêu, đầy hơi do dư thừa acid dịch vị có trong dạ dày. Các loại thuốc này giúp giảm tiết acid dạ dày, trung hòa lượng acid trong cơ thể cũng như hỗ trợ chống đầy hơi trong dạ dày.
- Thuốc tăng nhu động đường ruột (prokinetics): Những loại thuốc này sẽ giúp tăng tốc độ tiêu hoá của đường ruột, nhờ vậy sẽ cải thiện chứng đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru.
- Các loại thuốc kháng sinh: dùng trong trường hợp đầy bụng chướng hơi do hội chứng ruột kích thích hoặc trường hợp nhiễm khuẩn đường tiêu hoá do vi khuẩn.
- Thuốc nhuận tràng: dùng trong trường hợp bị táo bón kéo dài không cải thiện với chế độ ăn uống và tập luyện
Lưu ý, tất cả những loại thuốc trên phải dùng theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không sử dụng tùy tiện, kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khiến bệnh nặng hơn.
2. Chữa đầy hơi chướng bụng tại nhà
Xem thêm : Cây bồ công anh có tác dụng gì? Cách sử dụng cây bồ công anh tốt cho sức khoẻ
Ngoài dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, những trường hợp đầy hơi, chướng bụng ở mức độ nhẹ cũng có thể cải thiện ngay tại nhà bằng những cách sau đây:
2.1 Đi bộ
Đi bộ giúp quá trình nhu động ruột diễn ra đều đặn và thuận lợi, cải thiện quá trình vận chuyển, thanh thải khí trong ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Đi bộ rất có ích cho người bị bệnh táo bón, đầy hơi. Mỗi ngày đi bộ 20-30 phút là cách cải thiện chứng bụng, đầy hơi hiệu quả.
2.2 Tập yoga
Những động tác yoga nhẹ nhàng cũng rất có ích với người bị chướng bụng đầy hơi. Một số tư thế yoga giúp giải phóng khí dư thừa từ đường tiêu hóa như: đứng lên ngồi xuống (squat), em bé hạnh phúc (nằm ngửa trên sàn, hai chân hướng lên trên trần, hai tay nắm các ngón chân, kéo 2 chân dang rộng bằng vai)… có thể loại bỏ khí tích tụ ở đường tiêu hóa. Thực hiện những động tác này 5-10 phút mỗi ngày sẽ giúp cải thiện chứng chướng bụng hiệu quả.
2.3 Massage bụng chữa đầy hơi
Những động tác xoa bóp bụng có tác dụng kích thích nhu động ruột, giúp hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh. Thực hiện massage bụng theo vòng tròn từ phải sang trái, lặp lại trong vài phút. Lưu ý, nếu thấy đau bụng cần dừng lại ngay.
2.4 Tắm nước ấm và thư giãn
Chướng bụng, đầy hơi cũng có thể xoa dịu nhờ hơi ấm của nước. Bạn có thể ngâm mình trong bồn tắm nước ấm hay dùng vòi hoa sen đều được. Điều này còn giúp tinh thần thư giãn, giảm căng thẳng, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
2.5 Tăng cường chất xơ
Tăng cường chất xơ từ rau xanh, trái cây tươi là cách giúp ngăn ngừa táo bón và đầy hơi hiệu quả. Mỗi ngày, một người trưởng thành cần 30g chất xơ. Tuy nhiên, quá trình nạp chất xơ vào cơ thể phải đúng cách, không nên ăn quá mức hoặc ăn quá nhanh sẽ khiến bụng đầy hơi hơn.
3. Khám bác sĩ
Trong trường hợp chướng bụng đầy hơi kéo dài (quá 5 ngày), biểu hiện ngày càng nặng hơn, kèm đau bụng dữ dội; đi kèm với các triệu chứng sốt, nôn mửa hoặc chảy máu, sờ thấy khối u…nên thăm khám để được chẩn đoán và điều trị tích cực. Vì có thể triệu chứng chướng bụng đầy hơi xuất phát từ 1 tình trạng mãn tính mà bạn không biết.(1)
Điều trị đầy hơi chướng bụng cần tránh gì?
Để đẩy lùi triệu chứng đầy hơi chướng bụng, cần thực hiện những lưu ý sau:
1. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Xem thêm : 1 chén cơm chứa bao nhiêu calo? Gạo trắng hay gạo lứt tốt hơn?
Nên chia nhỏ bữa ăn, không nên ăn quá no một lúc sẽ làm tăng mức độ chướng bụng đầy hơi. Nên duy trì 4-5 bữa ăn/ngày. Ăn chậm, nhai kỹ, tránh đưa không khí vào đường tiêu hóa như uống nước bằng ống hút. Bên cạnh đó, cần hạn chế sử dụng một số thức ăn gây khó tiêu như đồ ăn cứng, cay nóng, mặn, ưu tiên thức ăn mềm như: cháo, súp, các món hầm… Hạn chế chất kích thích như rượu bia, đồ uống có gas sẽ làm bệnh trầm trọng hơn.
2. Ngủ đủ giấc
Ngủ sâu, đủ giấc (7-8 tiếng/ngày) là cách hạn chế tình trạng tăng tiết và rối loạn acid dạ dày, giúp cơ thể khỏe khoắn khi thức dậy. Nên tập thói quen ngủ sớm trước 23h, tắt điện thoại, ánh sáng để chìm vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
3. Kiểm soát stress, giữ tinh thần thoải mái
Tinh thần ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột. Hãy cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, luôn suy nghĩ đến những điều tích cực, chơi thể thao, nghe nhạc, giải trí để giúp tinh thần luôn thoải mái và thư thái nhất.
4. Sử dụng thuốc theo toa
Tự ý sử dụng thuốc có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá. Tránh lạm dụng các loại thuốc an thần, thuốc giảm đau, thuốc tránh thai… có thể gây ra tình trạng chướng bụng, đầy hơi khó chịu và phát sinh các biến chứng khác.
Ngoài ra, người bị chướng bụng đầy hơi không nên nhai kẹo cao su, vì trong quá trình nhai kẹo sẽ nuốt không khí khiến chứng đầy hơi càng nghiêm trọng.
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (BVĐK Tâm Anh TP.HCM) và Khoa Tiêu hoá (BVĐK Tâm Anh Hà Nội) là những chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho các bệnh nhân mắc những bệnh lý tiêu hóa từ nhẹ đến nặng. Hệ thống BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội khoa – Ngoại khoa – Nội soi tiêu hóa chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.
Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh lý tiêu hóa với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, xin vui lòng liên hệ:
Các cách chữa đầy hơi chướng bụng trên đây có thể thực hiện tại nhà để làm giảm triệu chứng. Tuy nhiên, khi tình trạng chướng bụng đầy hơi kéo dài và đi kèm các biểu hiện khác thì có thể là dấu hiệu của các bệnh lý. Do đó, bạn cần theo dõi những bất thường của cơ thể, thăm khám và điều trị tích cực, loại bỏ tận gốc triệu chứng khó chịu này.
Nguồn: https://bida.edu.vn
Danh mục: Ẩm thực